Tiểu sử & Binh nghiệp Nguyễn_Cao_Kỳ

Ông sinh ngày 8 tháng 9 năm 1930 tại thị xã Sơn Tây, quê làng Mai Trai[1], thuộc phường Quang Trung thị xã Sơn Tây, thế kỷ 19 là xã Mai Trai, tổng Thanh Vị, huyện Minh Nghĩa, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây[2]). Ông là con thứ ba và là con trai độc nhất của ông giáo Nguyễn Cao Hiếu. Thiếu thời, ông là một học sinh giỏi, nhưng rất ngỗ nghịch. Ông học Tiểu học ở Sơn Tây hết lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) thì được cho về Hà Nội vào học ở trường Bưởi (hay trường trung học Bảo hộ - Lycée du protectorat - nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An). Năm 1950 ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài bán phần Pháp (Part I).

Làng Mai Trai, tổng Thanh Vị, huyện Minh Nghĩa (Tùng Thiện), phủ Quảng Oai. Quê Nguyễn Cao Kỳ nằm phía đông nam thành cổ Sơn Tây


Quân đội Quốc gia Việt Nam

Tháng 9 năm 1951, thi hành lệnh động viên của Chính phủ Quốc gia Việt Nam, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 50/600.094. Được theo học khóa 1 Lê Lợi tại trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định, khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1951. Ngày 1 tháng 6 năm 1952 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường, ông được phân bổ về một đơn vị Bộ binh làm Trung đội trưởng, đồn trú tại châu thổ sông Hồng. Tháng 12 cùng năm, ông trúng tuyển vào Quân chủng Không quân tại Hà Nội và được đi du học lớp Huấn luyện Phi hành Vận tải cơ DC.3 (C.47). Tiếp đến, ông được huấn luyện trên loại phi cơ T.6 tại trường Phi hành (École Pilot-age) Marrakeck ở Vương quốc Maroc, Bắc Phi (thuộc địa của Pháp) trong thời gian 9 tháng. Năm 1953, chuyển đến căn cứ Không quân Vord, miền nam Thủ đô Paris, Pháp, ông được huấn luyện tiếp trên một loại máy bay 2 động cơ M.A.315 (Marcel Dassaut) để học bay trời mù sương. Sau đó qua Algérie thụ huấn về phi cơ oanh tạc. Sau Hiệp định Genève, ông ở lại tham gia Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trở thành một trong những phi công và sĩ quan chỉ huy đầu tiên của Không lực Việt Nam Cộng hòa.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Cuối tháng 10 năm 1955, sau khi nền Đệ Nhất Cộng hòa ra đời, ông được thăng cấp Trung úy giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Phi đoàn 1 Vận tải. Đầu năm 1956, ông kiêm trách nhiệm Chỉ huy trưởng căn cứ 3 Trợ lực Không quân. Đến đầu năm 1958, ông được thăng cấp Đại úy và được cử đi du học lớp Chỉ huy và Tham mưu Không quân tại Tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ.

Ngày 1 tháng 3 năm 1960, ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên đoàn 1 Vận tải C.47. Ngày Quốc khánh Đệ Nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1962, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm.

Tham gia đảo chính

Khi cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 nổ ra, ông đứng về phía lực lượng đảo chính, nắm quyền chỉ huy Không quân, tạo áp lực buộc lực lượng trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm phải đầu hàng. Sau cuộc đảo chính, ông được thăng quan tiến chức nhanh chóng. Ngày 2 tháng 11 năm 1963, ông được thăng cấp Đại tá và đến ngày 1 tháng 12 cuối năm, ông được cử làm Quyền Tư lệnh Quân chủng Không quân thay thế Đại tá Đỗ Khắc Mai (cùng xuất thân khóa sĩ quan Nam Định với ông). Đồng thời ông cũng là Ủy viên trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng.

Tư lệnh Không quân

Ngày 30 tháng 1 năm 1964, ông tham gia cuộc "chỉnh lý" nội bộ Hội đồng Quân nhân do Trung tướng Nguyễn Khánh lãnh đạo. Ngày 12 tháng 3 năm 1964, ông chính thức được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Không quân. Sau một tháng, ngày 8 tháng 4 ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm (là một trong nhóm các Đại tá đầu tiên được phong cấp Chuẩn tướng theo quy chế mới của Quân đội Việt Nam Cộng hòa do Tướng Nguyễn Khánh đề ra năm 1964). Ngày 31 tháng 7 cùng năm, ông kiêm thêm chức vụ Chỉ huy trưởng Không đoàn 83 Đặc nhiệm (tức Biệt đoàn 83 Thần Phong). Gần 3 tháng sau, ngày 21 tháng 10 ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm (trong vòng có hơn 6 tháng, ông được thăng 2 cấp).

Sáng ngày 8 tháng 2 năm 1965, ông chỉ huy 24 phản lực cơ của Phi đoàn Bắc tiến 516, vượt vĩ tuyến 17 ra oanh tạc Hồ Xá và Chấp Lễ ở Cồn Cỏ, Vĩnh Linh, Quảng Bình. Mở đầu cho "chiến dịch Bắc phạt" của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Hơn một tháng sau, ngày 14 tháng 3 lúc 2 giờ chiều, ông chỉ huy Phi đoàn nói trên ra miền Bắc oanh tạc căn cứ Đội 4 Hải thuyền tại Hồ Đảo, Quảng Bình.

-Trong tư cách là Ủy viên Hội đồng Quân nhân Cách mạng, tiếp tục là cơ hội để ông có bước tiến mới về chính trị, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ bị buộc từ chức và tuyên bố trao quyền cho phe quân nhân. Ông được coi là thủ lĩnh của một phe quy tụ các tướng trẻ. Khi Hội đồng Quân lực thành lập thì vị trí của ông càng được củng cố. Trong khi đó Đại tướng Nguyễn Khánh vì thâu tóm tất cả các chức vụ đầu não như: Quốc trưởng kiêm Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng thì bị nhiều thành phần chống đối. Vào thời điểm này, ông là một nhân vật then chốt và sáng giá trong Hội đồng Quân lực hay còn gọi là "Hội đồng tướng lãnh". Các năm 1964-1965 có nhiều sự kiện xảy ra, khiến cho phe quân nhân cầm quyền một mặt phải vỗ an dân chúng, đồng thời còn phải đối phó với những cuộc bạo loạn của quân đội. Ngoài những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng. Phía quân đội xảy ra những cuộc âm mưu đảo chính của 2 tướng Dương Văn ĐứcLâm Văn Phát (tháng 9 năm 1964) và của Đại tá Phạm Ngọc Thảo (tháng 2 năm 1965). Chính ông đứng ra vừa dàn xếp, vừa gây áp lực với các sĩ quan cầm đầu mới dẹp yên được 2 vụ âm mưu bạo loạn nói trên. Tướng Khánh phải từ chức Thủ tướng sau khi ở ngôi vị này chưa đầy năm.

Tham chính với cương vị Thủ tướng

Sau sự thất thế nhanh chóng của tướng Dương Văn Minh và tướng Trần Thiện Khiêm (hai tướng trong bộ ba Khánh, Minh, Khiêm) và của Chính phủ 3 tháng Phan Huy Quát, Hội đồng Quân lực (chủ chốt là Hội đồng tướng lãnh) quyết định đứng ra tổ chức lại bộ máy Hành pháp và Lãnh đạo Quốc gia.

Trong hai ngày 13 và 14 tháng 6 năm 1965, Đại hội đồng Quân lực gồm 50 thành viên tướng lãnh họp liên tục tại trại Phi long trong Bộ Tư lệnh Không quân ở Tân Sơn Nhất. Do không có ai tình nguyện ứng cử chức vụ Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, ông được Nguyễn Văn Thiệu đề cử vào chức vụ này. Sau cuộc họp, chiều ngày 14, ông được Hội đồng cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (tức Thủ tướng Chính phủ). Song song với việc lập ra Ủy ban Hành pháp, Hội đồng còn lập ra Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và nhất trí cử Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch (tức Quốc trưởng).

-Từ năm 1965 đến năm 1967, ông tham gia các sự kiện nổi bật sau đây:-Ngày 6 tháng 2 năm 1966, ông cùng với Trung tướng Thiệu Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Honolulu, thuộc Hawaii, Tiểu bang Hải ngoại Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương từ ngày 7 đến ngày 8 bế mạc.-Ngày 14 tháng 3, ông cho lập Pháp trường cát tại đầu đường Hàm Nghi cạnh Sở hoả xa trước vườn hoa chợ Bến Thành để xử bắn tử tội Tạ Vinh, một Hoa thương Chợ Lớn về tội danh "lũng đoạn nền kinh tế, đầu cơ tích trữ, chuyển ngân bất hợp pháp và hối lộ"[3].-Ngày 23 tháng 10, ông cùng Trung tướng Thiệu hướng dẫn Phái đoàn gồm 14 người lên đường tham dự Hội nghị tối cao Malina từ ngày 24 đến ngày 26 tại Philippines.-Ngày 19 tháng 3 năm 1967, cùng với Trung tướng Thiệu hướng dẫn Phái đoàn lên đường tham dự Hội nghị Quân sự với Tổng thống Lyndon B.Johnson tại Guam từ ngày 20 đến ngày 21 tháng 3 bế mạc.-Cuối tháng 2 năm 1966, tại khu vực lãnh thổ Vùng 1 chiến thuật xảy ra sự kiện đấu tranh của Phật tử (chủ yếu trên địa bàn hai điểm Thừa Thiên và Đà Nẵng), được gọi là vụ Biến động Miền Trung. Trong vụ việc này, chính ông là người đưa ra quyết định cứng rắn đàn áp cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Trung và mưu toan ly khai của Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (đương nhiệm Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng 1 chiến thuật). Một thời gian ngắn sau đó, tướng Thi bị buộc rời khỏi Việt Nam để đi sống lưu vong vĩnh viễn ở Hoa Kỳ. Phó T.Thống Nguyễn Cao Kỳ nói chuyện với TT Lyndon Johnson tại Hawaii năm 1966

Vai trò Phó Tổng thống

Ngày 29 tháng 6 năm 1967, ông ra ứng cử Tổng thống cùng liên danh với Luật sư Nguyễn Văn Lộc (ứng viên phó Tổng thống), nhưng ngay ngày hôm sau do tác động của Hội đồng tướng lãnh chủ trương đoàn kết trong quân đội, ông đã rút đơn và chấp nhận làm ứng viên Phó Tổng thống trong liên danh với Trung tướng Thiệu là ứng viên Tổng thống. Theo Nguyễn Cao Kỳ, dù được sự ủng hộ của một số tướng lãnh ông đã tự nguyện rút lui khỏi cuộc bầu cử Tổng thống để nhường Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử Tổng thống nhưng do tướng Hoàng Xuân Lãm đề nghị nên ông liên danh với Nguyễn Văn Thiệu để ứng cử chức vụ Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa[4].

Ngày 1 tháng 9 năm 1967, ông từ nhiệm chức vụ Thủ tướng trong Ủy ban Hành pháp Trung ương. Ngày 3 tháng 9, liên danh của ông và tướng Thiệu đắc cử Phó Tổng thốngTổng thống Việt Nam Cộng hòa nhiệm kỳ 1967-1971. Ngày 31 tháng 10, ông nhậm chức Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (cũng là thời điểm nền Đệ Nhị Cộng hòa ra đời). Ngày 7 tháng 12, ông hướng dẫn Phái đoàn gồm 6 nhân viên và 40 chuyên viên lên đường sang Pháp tham dự Hòa đàm Paris.

-Trong hồi ký cũng như phỏng vấn của một số cựu sĩ quan cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, ban đầu ông giành được nhiều tín nhiệm trong giới quân nhân hơn Thiệu và là người nhiều khả năng nhất có được sự đề cử duy nhất, trở thành đại diện duy nhất của quân đội tham gia bầu cử với vai trò ứng viên Tổng thống. Sự ủng hộ từ hàng ngũ các Tỉnh trưởng dành cho ông cũng vượt trội so với sự hậu thuẫn mà tướng Thiệu có được. Tuy nhiên, sự bứt phá của Nguyễn Văn Thiệu sau khi ông này có được hậu thuẫn của những thế lực chính trị khác như từ phía lãnh đạo Công giáo miền Nam (tướng Thiệu là tín hữu Công giáo) và quan trọng nhất, sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đã làm Nguyễn Cao Kỳ được nhìn nhận là không phải người tốt nhất cho vị trí đại diện quân đội tham gia vòng bầu cử Tổng thống nữa. Ông chấp nhận tham gia liên danh tranh cử Thiệu-Kỳ với vai ứng viên Phó Tổng thống. Lời tuyên bố của ông khi việc chọn ứng viên quân đội chưa ngã ngũ "...tôi sẽ trở về làm sếp Không quân như cũ!" thường được trích dẫn với ám chỉ rằng đó là sự đe dọa sẽ gây khó dễ bằng các biện pháp quân sự nếu ông không thắng trong cuộc bầu chọn ứng viên. Lần bầu cử năm 1967, liên danh Thiệu-Kỳ thắng cử với chỉ trên 30% số phiếu và khoảng cách không vượt trội so với cặp đôi đứng sát sau. Từ năm 1968 trở đi là giai đoạn ông bị gạt ảnh hưởng ra khỏi các vị trí quan trọng trong Chính quyền, các tùy tùng thuộc nhóm của ông bị thải loại dần, chuyển sang vị thế đối lập với ê-kíp của Tổng thống Thiệu.Tổng thống thứ 36 của Mỹ Lyndon Baines Johnson, Tướng William Westmoreland, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ (ngoài cùng bên phải) ngày 26 tháng 10 năm 1966

Sau khi mãn nhiệm kỳ 1967-1971, trung tuần tháng 6 năm 1971, ông nạp đơn ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975, đứng chung liên danh với ứng viên phó là Luật sư Trương Vĩnh Lễ (cựu Chủ tịch Quốc hội Lập pháp thời Đệ Nhất Cộng hòa). Tuy nhiên đến ngày 23 tháng 8, ông rút đơn không tranh cử nữa.

Sau khi rút lui khỏi vòng bầu cử Tổng thống năm 1971 với những tố cáo công khai rằng đó là một trò hề chính trị, ông càng ngày càng xây dựng hình ảnh bản thân như là một trong những nhân vật bất đồng chính kiến gay gắt nhất đối với phe cầm quyền. Ở kỳ bầu cử Tổng thống lần này, Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương là liên danh tranh cử duy nhất với kết quả chung cuộc là họ giành hơn 90% số phiếu bầu. Trước khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành, tướng Dương Văn Minh, người mới trở lại Việt Nam sau vài năm lưu vong, cũng tuyên bố rút lui. Mặc dù trước đó cũng tham dự cuộc chạy đua, rốt cuộc tướng Dương Văn Minh cũng quyết định từ bỏ cuộc đua nữa sau khi tham khảo ý kiến của một số người, trong đó có Phạm Xuân Ẩn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Cao_Kỳ http://books.google.com/books/about/Buddha_s_child... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi... http://www.voanews.com/vietnamese/news/a-19-a-2004... http://www.lenduong.net/spip.php?article16685 http://playithub.net/watch/3GzYOkgS-fw/ng-nguyn-ca... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-nguyen-ca... http://web.archive.org/web/20110813074539/http://w... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/07/11... http://baolamdong.vn/chinhtri/201309/bon-nhan-thuc...